Thời tiết mùa thu – đông, người ta thường ưa tìm đến những món ăn ấm nóng một chút. Với cái thời tiết se lạnh của mùa thu, nếu như đang đi lang thang ngoài đường, bạn có thể sà ngay vào những chiếc xe bán hàng rong để làm một bắp ngô hay một củ khoai nướng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một món ăn vô cùng hấp dẫn, được người ta rất ưa chuộng mỗi khu thu về: hạt dẻ Trùng Khánh. Đây là một trong những món ăn được nhắc đến nhiều nhất khi nói về đặc sản Cao Bằng, nhất là trong những ngày tiết trời thu se lạnh như thế này.
Hạt dẻ thường được nhắc đến nhiều nhất khi nói về đặc sản Cao Bằng
Tại sao lại gọi là hạt dẻ mùa thu nhỉ? Không hề giống như thứ hạt dẻ Trung Quốc có quanh năm, hạt dẻ ở vùng đất mát lạnh này thường kết hoa vào mùa xuân, đến cuối hạ mới nhú quả và khi sang thu thì quả mới chín dần, rơi rụng xuống gốc hoặc được người dân khều xuống. Quả chín trên đầu thường nứt ra lấp ló những hạt nâu sâm cứng như sừng mun, có nhiều lông tơ bên trong.
Thu sang, hạt dẻ chín dần và rụng đầy gốc
Xưa kia, cũng không biết là từ khi nào mà vùng đất này đã có thứ cây cho hạt đặc biệt này. Khi ấy, cây dẻ thường sống trong rừng già, ở ven đường hay bờ bụi, cây trổ hoa vào đầu xuân rồi kết trái thành từng chùm. Hoa dẻ khi nở tỏa hương thơm nức cả một khu rừng, nhưng đến khi sang thu thì kết thành từng chùm, quả dẻ cũng không mấy hấp dẫn bởi vỏ quả là lớp gai xù xì, lại nhọn hoắt như những chiếc lông của con nhím sẵn sàng tự vệ khi có bất kì ai động tới nó vậy.
Quả dẻ với lớp vỏ xù xì
Những đám trẻ người Tày, Nùng, Dao khi đi thả trâu thường vào ven rừng, tụ tập với nhau dưới gốc dẻ để tránh nắng, gió. Đến khi xâm xẩm tối, trước khi lùa trâu về nhà, gió se se lạnh nên lũ trẻ lạnh và đói bụng liền kiếm những tảng đất lớn xếp lại thành một cái lò, rồi tìm củi đun cho nóng. Khi “lò” đã đủ nóng, chúng bỏ ngôi, khoai và tiện tay bốc dưới gốc cây cho vào một nhúm hạt dẻ. Độ 20 – 30p là khều ngôi, khoai cùng hạt dẻ ra. Những hạt dẻ được tách lớp vỏ cứng ra, bên trong là nhân vàng ươm như lòng đỏ trứng gà, có người lại nói nó giống như màu yến, tỏa ra mùi thơm lừng và có vị ngọt bùi, ăn ngon lại chắc dạ. Biết đây là loại cây cho hạt ngon, bổ dưỡng nên họ đã mang giống về trồng trong khu vườn nhà mình, đến mùa dẻ rụng họ nhặt hạt và mang ra chợ bán.
Hạt dẻ Trùng Khánh được trông nhiều ở vùng đất sát với biên giới. Bà con người Tày, Nùng thường trồng hạt dẻ theo lối quảng canh nên sản lượng không lớn, hạt dẻ Trùng Khánh cũng vì vật mà càng trở nên trân quý hơn.
Những đứa trẻ chăn trâu thường nhặt hạt dẻ để nướng
Hạt dẻ Trùng Khánh khác biệt ở lớp vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ. Khi mang đi luộc, hấp hay rang lên hoặc cho vào lò nướng chín sẽ tỏa ra một hương thơm tự nhiên vô cùng cuốn hút khiến bạn phải dừng bước. Hãy thử tưởng tượng mà xem, trong tiết trời se lạnh của mùa thu thế này, nhất là khi bụng đang đói và cần một chút đồ ăn vặt cho bữa xế, lại bỗng nhiên ngửi thấy mùi hạt dẻ thơm lừng thì thèm thuồng biết bao.
Hạt dẻ Trùng Khánh có vị ngọt bùi tự nhiên, sau khi được chế biến một cách khéo léo thì lớp vỏ bên ngoài nứt ra, để lộ một phần ruột đầy đặn. Hạt dẻ ăn ngọt bùi rất tự nhiên, lại mềm bở, thơm ngậy. Ăn hạt dẻ ngon nhất thì phải ăn lúc nóng, có như vậy mới thấy được hết cái ngon, cái thơm của nó.
Hạt dẻ rang
Hạt dẻ ngon và mang hương vị khác nhau cũng tùy theo từng kiểu chế biến. Có thể mang luộc hạt dẻ cho chín nhừ, cũng có thể nướng trên bếp than hồng hay rang hạt dẻ trong một chiếc chảo. Hạt dẻ luộc thì thơm bùi và bờ ngọt, vị ngọt từ tự nhiên của dẻ khiến cho bất cứ một thực khách nào cũng cảm thấy sảng khoái tâm hồn khi thưởng thức. Hạt dẻ rang lại ráo nước hơn, vừa thơm giòn lại vừa ngọt đậm. Còn hạt dẻ nướng thì giòn bên ngoài. Có thể nói dù chế biến theo bất kì một cách nào thì món hạt dẻ Trùng Khánh này cũng đều làm say đắm lòng người.
Tuy nhiên, cách ăn và làm hạt dẻ truyền thống nhất vẫn là luộc và rang trên chảo nóng. Những hạt dẻ tròn béo được rửa qua nước cho bớt bụi và lông tơ, sau đó cho vào nồi chứa xâm xấp nước, đun chừng 20 – 30p để hạt dẻ được chín bở. Khi gần cạn nước thì bắc nồi xuống, đổ ra rổ, dùng kéo khứa phần đuôi dẻ để khi rang đều tay trên chào chừng 15 – 20p lớp vỏ của dẻ sẽ sém sém và tự tách ra như những cánh hoa, để lộ ra bên trong lớp nhân vàng ruộm là hoàn thành.
Hạt dẻ còn dùng để nấu nhiều món ăn khác bổ dưỡng
Thường khi người ta tách hạt ra khỏi lớp vỏ xù xì, nếu chế biến khi còn tươi thì những hạt dẻ sẽ thơm bùi, bở tơi và ngậy ngậy. Nếu để lâu hơn hoặc ở nơi khô thoáng, se gió, se nắng thì hạt dẻ lại xuống mật, khi ấy ta chế biến hạt dẻ sẽ ngọt đậm hơn, hạt ăn chắc và ngon hơn rất nhiều. Tuy vậy, hạt dẻ Trùng Khánh lại không có chất bảo quản nên thường không để được lâu.
Ngoài cách chế biến hạt dẻ thông thường, người dân Trùng Khánh còn chế biến hạt dẻ kết hợp cùng với những món ăn khác, ví dụ như món nộm hạt dẻ hay chân giò, xương ống ninh hạt dẻ. Hạt dẻ khi đem luộc xong được mang đi giã nhuyễn, trộn cùng với chút đường và cốm ăn ngọt nhẹ, thanh thanh, thơm. Còn món chân giờ ninh dẻ dùng để bồi bổ rất tốt cho những người có thể lực yếu, tốt cho những bà mẹ đang nuôi con. Hạt dẻ là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe vì có chứa hàm lượng vitamin cao. Vào mỗi mùa thu gió se se lạnh, người dân thường ra đồng gặt mà không quên mang theo nhúm hạt dẻ đã được rang để đề phòng khi đói.
Hiện nay để mua được hạt dẻ chuẩn Trùng Khánh không phải dễ
Hạt dẻ Trùng Khánh thường có vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Nhưng ngày nay, vì hạt dẻ Trùng Khánh được nhiều người yêu thích, người ta cũng tìm cách trồng nhiều hơn, kéo dài thời gian hơn để có thể thêm thời gian thưởng thức được hương vị thơm ngon của mảnh đất vùng cao này.
Vào những ngày thời tiết Hà Nội bắt đầu sang thu này, hạt dẻ Trùng Khánh lại được nhiều người tìm kiếm, săn đón hơn bao giờ hết. Bạn đã từng ăn hạt dẻ Trùng Khánh chưa? Hãy gọi điện ngay đến số hotline: 1900 0264 của Cattour để được tư vấn Tour du lịch Hà Nội – Cao Bằng – thác Bản Giốc đi ăn hạt dẻ nhé!
Xem thêm: Tour du lịch Hải Phòng – hồ Ba Bể - thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm
Các bài viết liên quan:
Phương Trần / Cattour.vn - Ảnh: Internet